Skip to content

Dạy như một cái nghề.

Đêm qua hơi ốm, cảm phiền lớp cuối ngày xin off một hôm. Nằm lên giường tôi ngất ngay lập tức, người như nửa tỉnh, nửa mê. Mở mắt dậy lúc năm giờ sáng, suy nghĩ về những giấc mơ tối qua. Lâu lắm rồi tôi mới mơ, mới ngủ đủ sâu để có thể mơ. Mở điện thoại, vài tin nhắn của học sinh hỏi bài, vài thông báo mạng xã hội. Vài tin nhắn chúc mừng ngày nhà giáo từ khuya đêm qua. Một ngày nữa bản thân mình còn sống, còn nhận thức, còn ngồi dậy được.

Học xong cấp ba, bố mẹ đều muốn con mình học sư phạm. Cậu thì chẳng thiết tha gì, chẳng biết mình muốn làm gì, giỏi gì. Thôi thì chọn đại ngành Ngôn Ngữ Anh, học môn mà cậu cảm thấy dễ dàng nhất trên lớp, còn chẳng biết ngành đó là học về gì nữa. Khi còn bé và nông cạn, mấy ai biết trân trọng kiến thức và công sức của những người học tập và tâm huyết truyền đạt lại cho lũ trẻ đâu. Đại học là khoảng thời gian cho trải nghiệm, gặp gỡ, va vấp. Cho những ngày rong chơi khắp nơi chẳng có mục đích, đến những ngày tìm ra sự vui thú với học hành, những ngày đi làm một lúc nhiều việc để tự lập, cân đối thời gian cho trường lớp và bài vở tự học. Bằng cách nào đó tôi tìm được sự cứu rỗi trong sách vở, kiến thức và bận rộn. Người ta bảo “bận rộn là liều thuốc tốt nhất”, nhưng chúng ta nên hiểu sâu hơn bề nổi: bận rộn là liều thuốc tốt nhất vì trong lúc bận rộn chúng ta được trải nghiệm, được học hỏi, được trở nên khôn ngoan hơn. Mà những sự buồn bực hay cảm xúc tiêu cực đều đến từ sự non dại và vô minh của con người cả. Chỉ có học mới hiểu, chỉ có hiểu mới an lòng và hạnh phúc. Cứ thế cậu đưa mình vào nề nếp kỉ luật, cũng đồng thời vứt mình vào guồng công việc mà cái giá phải trả là sức khỏe. Ai bảo cậu dại, cậu cũng ừ gật đầu. Nhưng cậu thì nghĩ cậu là kẻ ngốc đem mình yêu học tập và công việc, yêu nhiều tới mức không thể nào vui vẻ nếu thiếu được chúng.

Thành công lớn nhất của đời người là hiểu được mình. Hiểu được mình thích gì, ghét gì, hiểu được những cảm xúc tự nhiên mà kiểm soát đa số hành động của chúng ta. Mình thường cho rằng mình là sinh vật lý trí, nhưng không, đa số chúng ta đều bị ảnh hưởng rất nhiều từ bản năng sinh học. Người trí là người hiểu và học cách kiểm soát. Để thay đổi được chỉ có hai cách: học tập, trau dồi kiến thức để có thể hiểu hơn về cảm xúc, con người VÀ luôn cho phép bản thân thử nghiệm những điều mới. Vì phải tự lập sớm nên may mắn thay tôi được làm thử nhiều việc, gặp nhiều người, ngu vô số lần và học hỏi và lớn lên không ngừng. Cho đến cuối cùng mới thử dạy, và biết mình có thể làm điều đó tốt. Quan trọng nhất là thích việc đó. Điều gì cũng vậy, phải thích thì mới gắn bó được.

Ngót nghét đã bắt đầu đi dạy từ 2019, nhưng đến 2021 sau khi thi IELTS lần đầu tiên mới bắt đầu mở lớp dạy IELTS. Thấm thoát thời gian thấm đẫm con người, cũng đã sắp sang năm thứ tư nghiêm túc bắt đầu dạy như một cái nghề. Với tôi, hoàn hảo trong nghề dạy cũng sẽ không bao giờ có thể đạt được; hoàn hảo là một đích đến cũng là một điểm xuất phát cho bất kì ai đủ nỗ lực và có đủ động lực để liên tục làm mới mình và phát triển tiềm năng của bản thân. Tôi luôn biết và luôn ý thức rằng mình không quá giỏi, và kĩ năng của mình, phương pháp luôn có nhiều thiếu xót nên luôn chăm chú lắng nghe, theo dõi cảm nhận của bạn học để thay đổi và cải thiện. “Tốt” luôn là một tiêu chuẩn và nhận địch tạm thời trong một thời điểm nhất định, sẽ luôn bị phá vỡ qua thời gian theo quy luật vô thường của vạn vật. Vậy nên tôi biết tôi chỉ có thể trở nên tốt nhất trong thời điểm hiện tại, và nỗ lực để tốt hơn trong tương lai.

Ba năm, ba lần thi IELTS, ba con điểm tăng dần (7.5 -> 8 -> 8.5). Những con số gói gọn những cũng không thể gói gọn hết những ngày dài dẫn tới đỉnh điểm đó. Những ký ức không mất đi, chỉ là chúng đã trở thành một phần da thịt, tâm trí của một người thôi. Ba năm, tôi vẫn chưa đăng một bài chiêu sinh nào, không quảng cáo. Kim chỉ nam của tôi từ đầu chính là nếu tôi đủ giỏi như một người dạy, học sinh thương mến sẽ giới thiệu. Nếu không, tôi sẽ chấp nhận mình không đủ khả năng mà tìm một hướng đi khác. May mắn thay hôm nay tôi vẫn ở đây để viết bài này. May mắn thay và biết ơn nhiều.


Người dạy, thầy giáo hay là kẻ kinh doanh kiến thức?
Đôi khi thật khó để tôi phân định được rõ ràng. Giống như cách con người chúng ta luôn gò bó bản thân mình trong những quy chuẩn, trong những định nghĩa có sẵn. Thật tù túng, và thiếu sáng tạo. Những ý tưởng mới luôn đến từ việc tham khảo, học hỏi những điều đã cũ. Nhưng nếu không đủ táo bạo trong suy nghĩ thì thật khó để tìm ra những vùng đất mới. Columbus cũng là vì tìm đường mới, nhanh hơn để đến Ấn Độ mà vô tình tìm ra Bắc Mĩ. Ý của tôi là đừng nên để những concepts cũ định hình cách suy nghĩ của chúng ta. Bản chất của mọi giao dịch đều xuất phát từ việc trao đổi giá trị. Tôi là kẻ may mắn hơi một chút, có khiếu ngôn ngữ hơn một chút, chăm chỉ hơn một chút để có chút giá trị trao đi, đổi lấy học phí từ các bạn, giá trị mà ở vị thế các bạn có thể cung cấp. Dựa vào đó chúng ta có thể kết nối và trao đổi nhiều hơn nữa. Nhìn sơ thì mối quan hệ bắt đầu từ vật chất nhưng tôi tin rằng nó chỉ là công cụ khởi điểm cho những thứ sâu sắc hơn thế.

Những người làm giáo dục không hẳn tài giỏi hơn các bạn, họ là những người đi trước, và may mắn hơn ở trong lĩnh vực này. Các bạn sẽ giỏi trong những lĩnh vực khác, nên khôn ngoan tận dụng và lấy đi thật nhiều từ họ, từ kiến thức mà họ cất công học được trong khi bạn dành thời gian học những điều khác. Mối quan hệ này phải được tận dụng qua lại như thế. Tôi vẫn hay nghĩ điều tôi mong muốn mang đến cho các bạn không chỉ là ngôn ngữ, mà còn nhiều hơn thế. Về đam mê cho học tập, kiên trì, quả ngọt của nỗ lực. Người giáo nên còn là ngọn lửa cho học sinh, cả sưởi ấm, và cả thắp cháy đam mê trong họ.

Tôi ấy, chỉ là một kẻ ham học, một người bình thường lấy học tập và hiểu biết làm niềm vui mỗi ngày. Cạnh đó có công việc chia sẻ chút kiến thức ấy cho mọi người. Tôi ấy, là kẻ ích kỉ dành nhiều thời gian hơn cho mình, phát triển mình và giúp đỡ mọi người nhiều nhất có thể. Tôi ấy, luôn nhận thức sự bé nhỏ của mình, giỏi giang hơn nhiều người những thua nhiều người. Thế nên luôn cố gắng để tốt hơn, và tốt hơn. Tôi ấy, luôn biết mình có thể mắc lỗi nhưng sẽ luôn sẵn sàng thừa nhận và học hỏi.


Thân mong chúng ta sẽ luôn nỗ lực để làm người, thật tốt, thât khỏe. Thân trông chúng ta sẽ luôn chia sẻ với nhau, đóng góp và nhẹ nhàng. Thân quý tất cả tình cảm từ mọi người.


Nov 20th 2024, Da Nang

Phát.

1 thought on “Dạy như một cái nghề.”

  1. “ Chào anh Phát, đọc bài viết của anh, em thật sự cảm kích và khâm phục con đường mà anh đã chọn. Là một cậu nhóc 18 tuổi, hiện tại em vẫn đang loay hoay tìm hướng đi cho mình, nhưng những chia sẻ của anh đã khiến em có thêm động lực và niềm tin để tiếp tục khám phá và cố gắng hơn.”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

en_USEnglish