Loay hoay học sống.
Xin người bao dung
Thân tôi bé nhỏ
Lo chuyện nhỏ, to.
Tôi thích ngồi ở biển những lúc đầu óc rối vò, tôi nghĩ biển như vỗ về mình. Từng đợt sóng như những chạm tay lên vai, êm ả, đều đặn. Dần dà biển thành người tình nhỏ qua suốt thời đại học của tôi, thời tôi còn học để trưởng thành cảm xúc. Mong manh, dễ vỡ. Cô tình nhân này dạy tôi biết bình tâm, vì đâu ai đến biển lúc gió to sóng lớn, tôi cũng chỉ tìm đến những hôm trời thanh, sóng nhẹ. Như thể tôi biết được lúc nào cơn giận dữ ấy sẽ qua và nhường chỗ cho một khoảng lặng dịu êm hơn. Biển dạy tôi thật nhiều.
Trường học đã dạy tôi rất nhiều về làm “người”, có ích, có trí và có … tiền. Nhưng tôi, cũng như mọi người, đều phải học để làm tôi, làm chủ cục cảm xúc vô dạng, biến chuyển trong tôi. Rồi cũng chẳng ai dạy tôi cách làm con, làm anh trai, hay làm bạn rồi cả người yêu. Cũng chẳng ai dạy bố mẹ tôi làm bố mẹ cả. Đây là những thứ chúng ta phải tự học, tự rút kinh nghiệm, và rồi sẽ sai, phải sửa. Và dần hoàn thiện.
Nhưng trong quá trình lớn lên, mấy ai đủ bao dung để hiểu, cảm, và tha thứ cho những bước nhỏ trong chặng đường dài này. Chúng ta ích kỉ, ta dỗi hờn, rồi trách móc. Quá ảm ảnh với một định nghĩa mơ hồ cho sự “hoàn hảo”.
Học làm anh.
Những ngày trẻ hơn, làm anh với tôi dễ lắm, vì chức danh này không hơn kém gì sự quan tâm hời hợt bên ngoài với đứa em trai của tôi. Vì tôi bận làm tôi, thế giới chỉ vỏn vẹn có tôi. Nhưng làm anh những ngày sau này sao tự dưng khó quá. Những thứ tôi có thể thoải mái chia sẻ với học trò về cuộc sống lại trở nên khô khan hơn khi người đối diện là em trai tôi, chắc lẽ trước đó tôi dễ dàng rầy la, to tiếng với nó hơn là dỗ ngọt. Nhưng mà tôi đã tập.
Tôi tập gợi lên những chủ đề cuộc sống để chia sẻ với em trai mình. Gượng ép không? Vô cùng. Nhưng tôi biết mọi thứ đều cần một xuất phát điểm. Rồi tôi gọi điện nhiều hơn với nó, dù nhiều lúc không có gì để nói nhưng cứ để điện thoại trước mặt rồi làm việc nhà. Có vẻ sau khi đọc các lá thư giữa Vincent Van Gogh và em trai ông – Theo Van Gogh – thì khái niệm về tình anh em khô khan tôi có trước đó đã thay đổi. Tình anh em cũng có thể đẹp không kém tình yêu đôi lứa, chỉ là văn hóa ngày nay đã dần làm mất đi những sự kết nối ý nghĩa bằng lời nói. Chúng ta sợ nói, và sợ viết.
Tôi đã lần đầu tiên nói xin lỗi đến em mình, vì nhận thấy nhiều lúc mình lớn tiếng chẳng vì gì cả, chỉ là tôi muốn nó làm theo đúng ý của tôi. Tôi muốn xin lỗi vì đã bỏ quên cảm xúc của em trai mình. Tôi cũng lo lắng cho những tháng ngày sau này của nó, vì tôi biết tôi chẳng thể nào cung cấp, hay lắng lo cho nó mãi được. Tôi cố gắng chia sẻ nhiều hơn, từng chút một, chỉ mong nó biết quý trọng thời gian, và cuộc sống của mình. Và tôi hiểu được tình yêu là những nỗi lo dai dẳng dù biết rằng nó là hiển nhiên và vô ích.
Và tôi vẫn đang còn học, để đóng vai anh trai tốt hơn. Chắc hẳn anh/ em của mọi người cũng đang loay hoay để học. Bố/ mẹ, bạn bè xung quanh ta cũng vậy. Ai cũng loay hoay để làm tròn các vai trò này trong cuộc sống, nên hãy chấp nhận và rộng lượng với nhau hơn.
Vì ai trong chúng ta cũng sẽ dành cả cuộc đời để học,
Vậy cuộc đời này bao nhiêu là ngắn, bao nhiêu là dài.
Mình cũng đang học làm chị, nhưng mà vẫn chưa thể cởi mở tâm sự với những đứa em của mình. Vốn dĩ thì tính mình cũng không mấy khi tâm sự chuyện lòng với người khác, nên không biết phải bắt chuyện như thế nào…
Không biết có sai không khi mình có suy nghĩ rằng ừ thôi, chỉ cần cố gắng cho em cái ăn cái mặc, là hậu phương cho tương lai của chúng nó là được rồi.
Mình thương chúng nó, rất thương, mình sợ chúng nó không được đầy đủ như bạn bè trang lứa, mình luôn muốn mua những món đồ tốt nhất, cho chúng nó được thoải mái với suy nghĩ của mình. Mình cố gắng hiểu biết nhiều điều để có thể là chỗ dựa khi chúng cần đến. Vẫn hy vọng người chị như mình đủ tốt để chúng nó có thể tự hào vì là em của mình. Mong Phát và em trai luôn bên nhau và đùm bọc nhau nhé!