Skip to content

Muốn thương mình, hãy học thương người.

Nhiều lần tôi hay nói với các bạn trong lớp tôi rằng :

“Cách người khác đối xử với mấy đứa, chính là cách họ sẽ đối thử với bản thân họ. Vậy nên nếu đôi lúc có ai xấu tính làm gì mà các bạn buồn, thì hãy thương họ thay vì giận, hay trách nhé”

Có vẻ như những đứa trẻ chúng mình luôn được người khác bảo rằng lớn lên ta sẽ nhận thấy thế giới rất khắc nghiệt với mấy đứa trẻ tụi mình, luôn được dạy làm sao để gồng mình, để “cứng” hơn trước những thử thách ghê gớm phía trước. Nhưng không ai chỉ ra rằng chính bản thân tôi mới là người khắc nghiệt với thế giới xung quanh, rằng tôi không nhất thiết phải luôn phải mạnh mẽ hơn, mà nên bao dung, dịu dàng hơn.

Ý tôi là chúng ta hãy thử một lần đảo câu thần chú “thế giới thật khắc nghiệt với chúng ta” thành “chúng ta thật khắc nghiệt với thế giới nhé”. Có ai thấy vô lý không nhỉ? Chúng ta có quyền hạn gì, có ảnh hưởng gì để mà làm điều đó với thế giới bên ngoài cơ chứ? Chắc hẳn nhiều trong số chúng mình sẽ nghĩ như thế.

Có chứ, chúng ta có bản ngã to lớn trong mỗi chúng ta.

Chúng ta muốn người khác yêu quý lấy mình, luôn bên cạnh, cười tươi với tất thảy những ta làm. Kể cả những điều ngu ngốc nhất. Để khi họ không thể đáp ứng được những kì vọng này, thất vọng dâng trào, vô thức chúng ta oán trách họ vì đã không là người mà sâu thẳm chúng ta mong muốn họ trở thành.
Vì, khoác trên mình bản ngã to lớn đó, che mắt bởi sự ích kỉ bản năng, tất cả những gì ta quan tâm đến là bản thân mình.

Vì trong lúc bận đóng vai “mình”, ta không nhìn thấy được “bạn mình”. Không thấu được suy nghĩ của họ, không thương được ưu phiền của người. Đúng thật là ta có cuộc sống của riêng mình, nhưng thương người – đúng như ông bà nói – như thể thương thân. Bước đầu tiên để làm được điều đó là nhận thức được phần ích kỉ trong mỗi chúng ta, phần tôi kiểm soát phần mình.

Rồi đến chuyện yêu đương,

Ai yêu nhiều hơn thì người đó đau lòng nhiều hơn?

Với mình thì yêu, trong cả yêu bạn bè, yêu đôi lứa đều không có nên có sự so sánh nào trong đó cả. Như trong bức thư gửi tín hữu Cô Rin Tô (the first letter to Corinthians) có viết:

“Love does not envy, it does not boast, it is not proud, it does not behave improperly, it does not seek its own advantage, it is not easily provoked, it bears no grudge, delights not in evil but rejoices only in the truth.”

“Không ganh đua, hay khoe khoang, yêu cũng chẳng tự đắc, yêu giữ mình phải lẽ, không tính toán mưu mô; yêu giữ mình điềm tĩnh, yêu tránh xa thù hằn, yêu bằng những chân thật. “

It does not seek its own advantage – Yêu là cho đi không cần nhận lại. Vậy cớ gì phải so sánh thiệt hơn, phải hơn thua với người mà ta nói yêu. Hãy cứ yêu, cho đi vì mình muốn như vậy. Mọi thứ mình làm xuất phát từ ước muốn của mình thay vì hi vọng được yêu lại và nhận lại.

Vậy yêu có lẽ là việc khó nhất mà chúng ta có thể học. Học yêu lấy đối phương trong hình dạng nguyên bản nhất của họ, học yêu sự khác biệt của đối phương với bản thân chúng ta (Vì có ai được chọn con người họ được sinh ra, cũng không phải ai cũng có duyên để có thể có được nhận thức mạnh mẽ để có thể sống vượt trên bản năng của mình). Học gạt bỏ đi cái tôi của mình – cái làm chúng ta đòi hỏi, và khắc nghiệt với thế giới xung quanh. Và khi chúng ta yêu được những con người mang trong mình những khuyết điểm ngoài kia, chúng ta sẽ bao dung hơn với chính bản thân của mình. Bởi, hoàn hảo chẳng bao giờ là 1 đích đến, mà là 1 động cơ thúc đẩy mỗi con người chúng ta. Giống như ảo ảnh trên sa mạc, có thể thấy được nhưng chẳng thể nào chạm tới.



Hãy tin người, vì chúng ta muốn tin người.

Yêu người, vì chúng ta muốn yêu người.

Mọi việc ta làm, hãy để nó xuất phát từ bản thân ta.

ChrishPax,

19 March 2023.

1 thought on “Muốn thương mình, hãy học thương người.”

  1. “Nếu không yêu bản thân mình, sẽ không có ai yêu mình. Cũng không thể yêu người khác bởi mọi tình yêu luôn xuất phát từ yêu bản thân”

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *

en_USEnglish